Từng chuyển hướng công việc sang một lĩnh vực mới để có thêm nhiều thời gian chăm sóc gia đình, nhưng cũng chính vì vậy mà anh Nguyễn Mạnh Tuấn – Giám sát kỹ thuật BQL tòa nhà La Fortuna (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) mới nhận ra tình yêu và nhiệt huyết của mình dành cho nghề kỹ thuật quản lý vận hành vẫn luôn cháy bỏng. Anh cho rằng “Đây chính là cái duyên nghề chọn người, mình phải nỗ lực, cống hiến, để tạo ra những giá trị tốt nhất trong hành trình xây dựng sự nghiệp cả đời.”
Vài phút sau khi nhận được điện thoại của trưởng ban quản lý La Fortuna về việc chúng tôi – Những người đồng nghiệp từ Hà Nội tới thăm, anh Tuấn bước vào văn phòng với vẻ mặt tươi cười “Mấy em tới lâu chưa, thông cảm cho anh chút nhé, anh mới đi kiểm tra kỹ thuật tầng hầm về”.
Tôi đã từng gặp mặt anh 2,3 lần trước đó tại các bữa tiệc, team building hay du lịch công ty, ấn tượng đầu tiên đó là vóc dáng cao to, nam tính và chất giọng đầy ấm áp của dân kỹ thuật. Vừa uống trà vừa trò chuyện công việc, tôi mới quan sát kỹ văn phòng ban quản lý, đây là một không gian khá nhỏ nhưng sạch sẽ gọn gàng, được bố trí chung với phòng giám sát an ninh, chỉ đủ chỗ ngồi cho khoảng 2 – 3 người
Khi được hỏi về cơ duyên khiến anh gắn bó với nghề quản lý vận hành suốt 14 năm qua, anh cho biết: “Xuất phát điểm là một chàng sinh viên chuyên ngành điện lạnh, tôi bén duyên với nghề quản lý vận hành khi bắt đầu từ vị trí kỹ thuật viên năm 2008 với dự án Ocean Park (trụ sở của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam). Trong khoảng 3 năm với vị trí kỹ thuật viên, không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, kỹ năng, tôi được lãnh đạo công ty cất nhắc lên vị trí giám sát kỹ thuật. Và tôi đảm nhiệm vị trí Giám sát kỹ thuật từ 2011 cho đến thời điểm hiện tại.”
Hiện tại, với vai trò một giám sát kỹ thuật tại Asahi Japan, hàng tháng anh đang đều xây dựng cho mình kế hoạch phân công công tác chi tiết cụ thể cho từng ngày, từng ca trực. Từ đó, mỗi thành viên trong ca trực sẽ xác định rõ nhiệm vụ của mình và phải chịu trách nhiệm trước mọi sự cố xảy ra trong tòa nhà.
Bắt đầu sự nghiệp với nghề kỹ thuật quản lý vận hành tòa nhà khi tuổi đời còn rất trẻ, anh Tuấn cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức bủa vây. Nói về khó khăn, anh cho rằng để có thể vận hành một cách ổn định hệ thống kỹ thuật của tòa nhà, đáp ứng một cách cao nhất các yêu cầu dịch vụ của khách hàng là một câu chuyện dài. Nó đòi hỏi người làm công tác kỹ thuật phải chấp nhận đối mặt với khó khăn, vượt qua và thậm chí là phải hy sinh nhu cầu của bản thân để phục vụ các nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, tính chất công việc ca kíp “đầu tắt mặt tối” từ sáng sớm đến tối mịt kể cả ngày lễ, Tết, những ngày phải trực đêm thì hầu như không thể chợp mắt vì anh em phải thay nhau đi tuàn, đi kiểm tra hệ thống điều hòa, điện, nước, thang máy để hạn chế rủi ro cho hệ thống. Thậm chí với những ngày không trực đêm, nhưng nếu xảy ra sự cố, anh em bộ phận kỹ thuật phải ở lại cả đêm để tìm cách sửa chữa, khắc phục.
“Chính vì tính chất đặc thù của công việc như vậy nên hầu như chẳng mấy khi tôi có điều kiện chăm sóc gia đình, có những khi mình đi làm thì vợ con đã ngủ rồi, khi mình được nghỉ thì vợ con lại đi làm đi học, nhiều chuyện đối nội đối ngoại, lo cho con ăn học tất tần tật vợ mình lo hết.” Anh Tuấn chia sẻ.
Bởi vậy, đã có lúc anh Tuấn muốn dừng lại công việc kỹ thuật quản lý vận hành tòa nhà, tìm kiếm một công việc văn phòng 8 tiếng giờ hành chính để có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. “Tôi đã chuyển sang 1 công việc khác, 1 lĩnh vực khác hoàn toàn mới với vị trí chuyên viên văn phòng tại 1 công ty nước ngoài. Sau 3 năm, tôi đã quay lại công việc quản lý vận hành và đầu quân tại công ty quản lý vận hành có thương hiệu và chuyên nghiệp như là Asahi Japan, gần như nó là cái cơ duyên “nghề chọn người”. Dù mới gắn bó công ty được gần 1 năm, nhưng tôi rất ấn tượng với Asahi Japan. Nhiều người hay nghĩ quản lý vận hành là một nghề khô khan nhưng đội ngũ nhân sự tại đây lại rất trẻ trung, sáng tạo và chuyên nghiệp. Đặc biệt, Ban lãnh đạo cũng rất quan tâm đến đời sống của cán bộ nhân viên trong công ty, tổ chức hoạt động ngoại khóa tập thể, team building nhằm gắn kết tinh thần đoàn kết của cán bộ nhân viên.” – Anh chia sẻ.
Từ kinh nghiệm bản thân đã có hơn chục năm trong lĩnh vực này, anh cũng có nhận định đây là một nghề có nhiều cơ hội trong tương lai. Theo đó tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh tại Việt Nam với nhiều tòa chung cư, cao ốc văn phòng xuất hiện thì quản lý vận hành sẽ là yếu tố cốt lõi không thể thay thế để tòa nhà hoạt động. Nếu không có quản lý vận hành thì tòa nhà sẽ nhanh xuống cấp, các tài sản sẽ không hoạt động theo đúng chức năng ban đầu của nó để duy trì cuộc sống an toàn, hạnh phúc của cư dân, khách hàng.
CHUYỆN NGƯỜI – CHUYỆN NGHỀ là chuyên mục do Asahi Japan sản xuất chia sẻ về những câu chuyện thú vị trong nghề quản lý vận hành bất động sản. Mỗi một số là một câu chuyện về một cá nhân, tập thể đang cống hiến trong lĩnh vực quản lý vận hành của Asahi Japan, từ đó cho chúng ta thấy một góc nhìn chân thực hơn về nghề vốn được gọi là “Làm dâu trăm họ”, về những con người luôn cống hiến hết mình để mang đến cuộc sống an toàn, văn minh cho cộng đồng cư dân. |
Xem Video Clip tại đây:
Xem thêm các bài viết khác của chuyên mục CHUYỆN NGƯỜI – CHUYỆN NGHỀ:
Công việc mang đến cho tôi năng lượng tích cực mỗi ngày – Nguyễn Lan CSKH BQL La Fortuna
Quản lý vận hành là nghề “làm dâu trăm họ” – Chị Phạm Hồng Hà, Giám đốc quản lý vùng Duyên Hải